Không nhớ giấc mơ là tình trạng rất phổ biến. Thực tế vẫn có người nhớ rất rõ những gì xảy ra trong giấc mơ nhưng đại đa số chúng ta thì không. Vậy lý do tại sao chúng ta ngủ mơ dậy không nhớ gì?
1. Tại sao chúng ta mơ?
Trước khi tìm hiểu tại sao có người ngủ mơ dậy không nhớ gì trong khi người khác lại nhớ rất rõ, chúng ta cần tìm hiểu tại sao chúng ta mơ. Theo các chuyên gia, giấc mơ có xu hướng diễn ra trong giấc ngủ REM và có thể xảy ra nhiều lần trong đêm. Giai đoạn ngủ này đặc trưng bởi chuyển động mắt nhanh (REM là viết tắt của từ này), tăng chuyển động cơ thể và nhịp thở nhanh hơn.
Mike Kisch, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Beddr, một công ty khởi nghiệp về công nghệ giấc ngủ, nói với Healthline rằng giấc mơ có xu hướng xảy ra trong giai đoạn ngủ REM vì hoạt động sóng não có hình dạng tương tự khi chúng ta thức. Giai đoạn này thường bắt đầu khoảng 90 phút sau khi chúng ta chìm vào giấc ngủ và có thể kéo dài đến 1 giờ cho đến cuối giấc ngủ.
Dù có hay không nhớ giấc mơ thì tất cả chúng ta đều có thể nằm mơ trong khi ngủ. Đây là một chức năng thiết yếu đối với não bộ của con người và cũng xảy ra ở hầu hết các loài khác. Vậy nếu tất cả mọi người đều mơ, vậy tại sao tất cả chúng ta đều không nhớ về giấc mơ đã xảy ra?
Câu trả lời có thể khác nhau tùy thuộc vào lý thuyết về lý do tại sao giấc mơ xảy ra, bởi vì thực tế hiện nay có khá nhiều giả thuyết. Nghiên cứu giấc mơ là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, và giấc mơ đương nhiên rất khó nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nguyên nhân một phần là do hoạt động của não bộ không thể cho chúng ta biết về nội dung của những giấc mơ và chúng ta chỉ nghiên cứu dựa theo lời kể chủ quan của con người.
2. Nhớ về những giấc mơ
Một chuyên gia về giấc ngủ cho biết, mặc dù một số người cho rằng giấc mơ là cửa sổ dẫn đến tiềm thức, nhưng các giả thuyết khác cho rằng giấc mơ là kết quả vô nghĩa của hoạt động sóng não diễn ra trong thời gian não bộ nghỉ ngơi và phục hồi. Theo vị chuyên gia này, nếu giấc mơ là biểu hiện cho thấy bộ não đang trong quá trình phục hồi, thì việc có người nhớ và có người mơ xong không nhớ có thể chỉ đơn giản là do việc phân loại thông tin cần thiết và không cần thiết trong khi ngủ.
Về cơ bản, lý thuyết này gợi ý rằng những giấc mơ xảy ra khi bộ não của đang xử lý thông tin, loại bỏ những thứ không cần thiết và chuyển những ký ức ngắn hạn quan trọng sang ký ức dài hạn. Vì vậy, những người nhớ lại giấc mơ có thể chính là sự khác biệt về khả năng ghi nhớ tổng thể của não bộ.
Ngoài ra, bộ não của một người thực sự có khả năng chặn một giấc mơ, dẫn đến việc chúng ta không nhớ giấc mơ vào ngày hôm sau. Theo các chuyên gia, hoạt động trong mơ có thể chân thực và mãnh liệt đến mức bộ não muốn che giấu hoặc che đậy giấc mơ, vì vậy giúp nó không lạc lối giữa trải nghiệm khi thức và cuộc sống trong mơ. Vì vậy, hầu hết thời gian trong đời chúng ta mơ xong không nhớ là chuyện hoàn toàn bình thường.
Bạn đã bao giờ có một giấc mơ chân thực đến mức không dám chắc những sự kiện đó có thực sự xảy ra hay không? Điều này thực sự đáng lo ngại và kỳ lạ phải không? Vì vậy, trong trường hợp này, bộ não giúp chúng ta quên đi giấc mơ để có thể phân biệt tốt hơn giữa thế giới trong mơ và thế giới thực.
Mặt khác, hoạt động của não bộ cũng có thể cho phép ai đó dễ dàng nhớ lại những giấc mơ của họ hơn người khác. Có một vùng trong não, được gọi là vùng tiếp giáp thái dương, có chức năng xử lý thông tin và cảm xúc. Khu vực này cũng có thể đưa bạn vào trạng thái tỉnh táo trong giấc ngủ, do đó, cho phép bộ não của bạn mã hóa và ghi nhớ những giấc mơ tốt hơn, một chuyên gia về giấc ngủ giải thích.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuropsychopharmacology và được International Business Times đưa tin cho thấy những người có khả năng nhớ lại giấc mơ xảy ra nhiều hoạt động hơn ở vùng thái dương hàm so với những người thường xuyên mơ xong không nhớ.
3. Tại sao có người nhớ và có người ngủ mơ dậy không nhớ gì?
Một chuyên gia cho rằng nếu ai đó liên tục ngủ không đủ giấc, đồng nghĩa thời lượng giấc ngủ REM sẽ giảm xuống, khiến họ khó hoặc không nhớ giấc mơ của mình vào ngày hôm sau.
Ngay cả những đặc điểm tính cách cũng có thể là dấu hiệu cho thấy liệu ai đó có thể nhớ được giấc mơ của họ hay không.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét những đặc điểm tính cách phổ biến nhất ở những người có thể nhớ lại giấc mơ của mình. Nhìn chung, những người như vậy có xu hướng mơ mộng, suy nghĩ sáng tạo và hướng nội. Đồng thời, những người thực tế hơn và hướng ngoại hơn sẽ có xu hướng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ giấc mơ.
Điều này có nghĩa là một số người có khả năng cao ghi nhớ giấc mơ của họ hơn những người khác một cách tự nhiên, bất chấp chất lượng giấc ngủ của họ.
Các yếu tố khác, như căng thẳng hoặc trải qua chấn thương, cũng có thể khiến mọi người có những giấc mơ hoặc ác mộng sống động mà họ có nhiều khả năng nhớ lại vào ngày hôm sau. Ví dụ, một người đang đối mặt với nỗi đau sau khi mất người thân có thể mơ về cái chết một cách chi tiết. Việc nhớ lại giấc mơ vào ngày hôm sau có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và thậm chí gây ra căng thẳng hoặc lo lắng nhiều hơn.
4. Giấc mơ có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ?
Sau khi đã tìm hiểu về lý do tại sao có người nhớ và có người không nhớ giấc mơ của mình, vấn đề tiếp theo đặt ra là liệu cơn mơ có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một chuyên gia giải thích giấc mơ không phải là dấu hiệu cho thấy một người ngủ không ngon, vì bản chất nó không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Mặc dù khả năng ghi nhớ những giấc mơ đôi khi là dấu hiệu của một điều gì đó, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe hoặc thuốc men.
Có một số khác biệt sinh học dẫn đến một số giấc mơ nhớ được nhiều hơn những giấc mơ khác, nhưng cũng có một số nguyên nhân y tế cần được xem xét. Đồng hồ báo thức và lịch trình ngủ không đều đặn có thể dẫn đến việc thức dậy đột ngột trong khi mơ hoặc trong giai đoạn ngủ REM, và do đó dẫn đến tăng khả năng nhớ lại những giấc mơ. Một số yếu tố khác như chứng ngưng thở khi ngủ, rượu hoặc bất cứ tình trạng nào làm rối loạn giấc ngủ đều có thể gây ra giấc mơ.
Vì vậy, các chuyên gia cho biết bạn càng thức khuya thì càng dễ nhớ những giấc mơ của bản thân, ít nhất là trong thời gian ngắn. Trong hầu hết các trường hợp, điều này xảy ra bởi vì có điều gì đó cảnh báo khiến chúng ta tỉnh giấc trong khi mơ, và khi đó nội dung giấc mơ sẽ được nhớ lại.
Thế còn những giấc mơ dữ dội hoặc đáng lo ngại đến mức chúng đánh thức bạn khỏi giấc ngủ theo đúng nghĩa đen thì sao? Bạn có thể thấy mình vã mồ hôi, hoảng loạn, tim đập nhanh và ngồi dậy trên giường một cách bối rối vì những gì vừa xảy ra. Chuyên gia giải thích rằng việc có những giấc mơ hoặc ác mộng thường xuyên đánh thức bạn không phải lúc nào cũng bình thường và có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần trao đổi với bác sĩ.
Những người mắc hội chứng căng thẳng sau chấn thương (PTSD) có thể có những cơn ác mộng sống động liên quan đến hồi tưởng hoặc ký ức chấn thương, có thể trực tiếp hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Những điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tâm trạng vào ngày hôm sau.
Ngoài ra, mệt mỏi quá mức vào ban ngày có thể là dấu hiệu của các vấn đề về giấc ngủ cần được giúp đỡ. Nếu tại bất kỳ thời điểm nào giấc mơ, hoặc việc nhớ lại giấc mơ, khiến bạn căng thẳng hoặc lo lắng thì bạn nên cân nhắc việc nói chuyện với bác sĩ.
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra giấc mơ, nhưng thật nhẹ nhõm khi biết rằng việc ghi nhớ những giấc mơ là một điều bình thường và lành mạnh. Điều đó không có nghĩa là bạn ngủ không ngon và chắc chắn không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh tâm thần hay “không bình thường”.
Mặc dù đôi khi cảm thấy mệt mỏi hơn khi thức dậy sau một giấc mơ chi tiết, nhưng việc ghi nhớ chúng sẽ khiến mọi thứ trở nên thú vị, chưa kể đến việc giấc mơ sẽ mang lại một số ý tưởng tuyệt vời về những câu chuyện đời sống. Vậy nên ngoại trừ mơ về ác mộng thì chúng ta vẫn có thể mong muốn nhớ về những giấc mơ thú vị của bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng Tập thể thao để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Vinmec