Có lẽ chúng ta đều luôn mong cầu một cuộc sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc lại không có một khuôn mẫu nhất định. Một số người tìm thấy hạnh phúc trong những khoảnh khắc giản dị, trong khi những người khác lại vui vẻ khi đạt được những thành công lớn lao. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực một cách lành mạnh và tìm ra hạnh phúc thật sự?
Theo giáo lý nhà Phật, con đường dẫn đến giác ngộ và cõi Niết Bàn (Nirvana) bắt đầu từ việc giải thoát bản thân khỏi khổ đau và ham muốn. Trong đó, Tứ Diệu Đế là bốn chân lý quan trọng giúp con người nhận thức rõ hơn về khổ đau, và để đạt được điều đó, con người cần thực hành Bát Chánh Đạo.
Đạo Phật giúp chúng ta hiểu rằng con đường đạt đến hạnh phúc chính là thoát khỏi sự ràng buộc của “tham – sân – si”, từ đó con người sẽ biết cách thiết lập lối sống đúng đắn, không còn bận lòng với những điều ngoài tầm kiểm soát hay sa ngã vào những cám dỗ nhất thời. Phật giáo còn hướng chúng ta đến một cuộc sống an lạc bền vững và tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn. Dưới đây là 4 nguyên tắc trong đạo Phật giúp bạn khám phá câu trả lời trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình.
1. Xóa bỏ tư duy nhị nguyên
Tư duy nhị nguyên là cách tư duy chỉ nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật, sự việc theo hai chiều hướng tốt xấu hoặc đúng sai. Dễ hiểu hơn, tư duy nhị nguyên là khi một người chỉ xem mọi chuyện trong cuộc sống của họ chỉ có hai mặt đối lập như: trắng – đen, tốt – xấu, thành công – thất bại. Người sở hữu tư duy này thường dễ trở nên cực đoan vì họ có xu hướng xem mọi vấn đề dưới góc nhìn đơn giản hóa và khó mở lòng để tiếp nhận sự đa dạng, phức tạp trong cùng một vấn đề. Ví dụ, trong mắt họ, thay vì đánh giá một cá nhân với những ưu điểm và nhược điểm, họ sẽ phân loại người đó thành một trong hai nhóm rõ rệt: hoặc là “người tốt”, hoặc là “kẻ xấu” và không có yếu tố trung gian.
Nếu áp dụng tư duy nhị nguyên trong các cuộc tranh luận, bạn có thể không đủ kiên nhẫn để lắng nghe các quan điểm khác với bản thân vì bạn chỉ tập trung vào việc bảo vệ ý kiến của mình. Từ đó, bạn trở nên mù quáng, có xu hướng đưa ra kết luận một cách chủ quan.
Chính sự xung đột này đã mở đường cho một nguyên lý trong Phật giáo: xóa bỏ tư duy nhị nguyên. Đạo Phật có một khái niệm gọi là “Vô ngã” (Anatta), giải thích cho việc không tồn tại cái “tôi” cố định, qua đó khuyến khích mọi người nhìn nhận sự vật theo một cách linh hoạt hơn, trong khi tư duy nhị nguyên lại có xu hướng đóng khung mọi thứ. Vì vậy, bạn không nên điều chỉnh quan điểm của mình chỉ vì người khác không tôn trọng sự khác biệt, hoặc đòi hỏi người khác phải đồng tình với suy nghĩ của mình. Khi bạn học được cách mở lòng với mọi thứ, điều đó không chỉ làm bạn trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận cuộc sống và các mối quan hệ, mà còn cho phép bạn khám phá những khía cạnh mới mẻ của thế giới xung quanh.
2. Không làm điều ác, làm nhiều việc thiện
Đây là một trong những giá trị cốt lõi của Phật giáo, đặc biệt đã tồn tại trong tâm thức của nhiều người Việt Nam khi nghe đến đạo Phật. Điều này có thể được lý giải rằng, khi Phật giáo du nhập vào nước ta và trở thành quốc giáo vào thời Lý – Trần, lối sống “làm điều lành, tránh điều dữ” đã ăn sâu vào các nghi lễ tôn giáo và đời sống người Việt, từ đó trở thành một điều phổ biến để răn dạy con cháu trong gia đình.
Đồng thời, đạo Phật còn mang triết lý sống “nhân quả” ứng với câu thành ngữ “gieo nhân nào, gặt quả nấy“. Vì vậy, các Phật tử đều mang niềm tin rằng khi hành thiện, làm những việc tốt đẹp, họ sẽ nhận lại những quả ngọt trong cuộc sống. Ngược lại, nếu gieo nhân xấu, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả khôn lường.
Trên thực tế, điều này hoàn toàn có cơ sở. Nếu chúng ta làm việc tốt và biết trao đi, chúng ta sẽ nhận thấy cảm giác ấy như một “thành tựu” tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Theo nghiên cứu của Giáo sư Sonja Lyubomirsky giảng dạy tại khoa Tâm lý học Đại học California, Riverside và là tác giả của cuốn sách The How of Happiness (tạm dịch: Cách để có được hạnh phúc), cho biết khi thực hiện các hành động thiện nguyện hoặc giúp đỡ người khác, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra các hormone đem lại cảm giác hạnh phúc như oxytocin và endorphins, giúp tăng cường cảm giác vui vẻ và giảm căng thẳng. Thêm vào đó, giúp đỡ người khác còn góp phần củng cố kết nối xã hội cho một cá nhân. Từ đây, chúng ta nhận thức được bản thân xứng đáng được yêu thương và đang thuộc về một cộng đồng lành mạnh – hai yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tâm lý tích cực.
Xem thêm
• 6 lựa chọn giúp bạn định hình và xây dựng cuộc sống hạnh phúc
• 10 câu thần chú giúp bạn tự tin và hạnh phúc hơn mỗi ngày
• 7 thói quen hằng ngày giúp người Nhật sống thọ và hạnh phúc hơn
3. Sống cho hiện tại
Khi chúng ta tập trung vào hiện tại, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải phủ nhận quá khứ hoặc bỏ qua tương lai. Ngược lại, sống trong hiện tại chính là cơ hội để dung hòa những gì đã qua và định hình cuộc sống giai đoạn sắp tới. Từ đó, chúng ta sẽ có ý thức rõ ràng về những gì bản thân đang làm và trở nên chủ động, tích cực hơn.
Chính vì vậy, Phật giáo hướng chúng ta đến việc thực hành chánh niệm để tập trung hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại với tâm trí tỉnh thức, không bị xao nhãng hay phán xét bất kỳ cảm xúc nào đang tồn tại. Trong thực hành chánh niệm, bạn cần chú ý đến những gì diễn ra bên trong và bên ngoài bản thân, dần dà bạn sẽ học được cách duy trì sự bình tĩnh, cân bằng tinh thần và giảm thiểu lo âu một cách tự nhiên, hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn có thể bắt đầu một ngày mới bằng việc thức dậy trước khi mặt trời mọc, uống một tách cà phê, chạy bộ buổi sáng và thực hành thiền định mỗi ngày để giữ sức khỏe thể chất và tinh thần luôn khỏe mạnh. Hoặc bạn có thể dành thời gian rảnh để gặp gỡ, trò chuyện cùng gia đình, bạn bè nhằm nhận thức được rằng những người xung quanh đều luôn yêu quý và trân trọng bạn theo một cách nào đó. Nhờ vậy, bạn sẽ cảm thấy bản thân không chỉ có một mình đối diện với những khó khăn và vượt qua được điều đang cản bước bạn.
4. Cưỡng cầu điều gì đó một cách mù quáng
Đức Phật cho rằng việc cố đoạt được điều gì đó trong đời một cách không suy xét về hậu quả hay tính hợp lý sẽ khiến con người dễ rơi vào một vòng luẩn quẩn, tiêu cực. Điều này gắn liền với khái niệm tham ái – xuất phát từ tiếng Pāli là Tanha, có nghĩa là khao khát, dính mắc vào một đối tượng. Trong Tứ Diệu Đế, tham ái được coi là nguồn gốc của khổ đau.
Áp dụng vào thực tế, chúng ta có thể nhìn nhận đơn giản rằng khi ai đó quá ám ảnh bởi việc phải đạt được một mục tiêu nào đó trong đời, họ có thể rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài hoặc trở nên bất mãn, thất vọng nếu kỳ vọng của mình không được đáp ứng. Mặt khác, nếu chúng ta mang tâm lý phải trở nên thật thành công và giàu có một cách độc hại, chúng ta sẽ khó cảm thấy thỏa mãn khi đạt được cột mốc nào đó và tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn, từ đó rơi vào vòng lặp của sự cưỡng cầu vô tận.
Chính vì vậy, giáo lý nhà Phật đã đưa ra lời dạy rằng, để diệt khổ (diệt đế), con người cần phải buông bỏ sự bám víu và cắt đứt mối quan hệ với tham ái. Bên cạnh đó, tôn giáo này còn khuyến khích chúng ta thực hành chánh niệm để rèn luyện tâm trí an lạc, nhẹ nhàng, từ đó học được cách đón nhận mọi điều đến và đi một cách tự nhiên như một mối lương duyên trong cuộc sống.
Nguồn: Tập thể thao