25/11/2024
Sài Gòn, Việt Nam
Phong cách sống

3 cách tận dụng trực giác để đưa ra những quyết định đúng đắn


Như một “chiếc radar” bên trong mỗi người để chúng ta đưa ra những lựa chọn đúng đắn, trực giác đôi khi sẽ chỉ ra định hướng và mách bảo chúng ta những quyết định sáng suốt theo một cách bất ngờ.

Trong nhiều tình huống, trực giác khiến bạn nhận dạng những vấn đề tiềm ẩn một cách vô thức. Vì vậy, hãy cùng Tập thể thao khám phá 3 cách đơn giản nhưng hiệu quả để bạn có thể tận dụng sức mạnh của trực giác để bảo vệ bản thân và đưa ra những sự lựa chọn phù hợp nhé!

Tỉnh táo trong mọi tình huống

Khi đứng trước những ngã rẽ quyết định, có thể bạn sẽ bị cuốn theo những lời nói hay suy nghĩ từ bên ngoài. Vào lúc này, bạn nên dành cho bản thân một khoảng lặng để lắng nghe tiếng nói bên trong. Điều này không chỉ giúp bạn bình tĩnh hơn, mà còn cho bạn kết nối sâu sắc hơn với những giá trị và mong muốn thực sự của mình. Từ đó bạn có thể nhận thấy trái tim của mình đang mách bảo điều gì và dễ dàng nhận ra những tín hiệu tinh tế trực giác gửi đến. Tiếp đến, bạn hãy dành thời gian để phân tích, so sánh các lựa chọn một cách khách quan dựa trên những gì linh tính mách bảo để tìm thấy hướng đi tốt nhất, thay vì chỉ quyết định một cách không có cơ sở. Từ đó, giọng nói của lý trí và trực giác sẽ trở nên hòa hợp, giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

cô gái ngồi trên hàng rào sử dụng trực giác của bản thâncô gái ngồi trên hàng rào sử dụng trực giác của bản thân

Ảnh: Unsplash/Niko Tsviliov

Suy ngẫm về những trải nghiệm trong quá khứ

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Gary Klein đã đưa ra mô hình Recognition-Primed Decision (RPD) – mô hình quyết định dựa trên sự công nhận. Đây là mô hình mô tả cách con người nhận diện các tình huống dựa trên kinh nghiệm trước đó, quyết định hành động dựa trên trực giác và không cần so sánh các sự lựa chọn với nhau. Ông nhấn mạnh rằng trực giác không phải là cảm giác ngẫu nhiên, nó là kết quả tổng hợp của quá trình tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Chẳng hạn, một người lính cứu hỏa đã chia sẻ rằng người này có linh cảm mạnh mẽ về mối nguy hiểm khi vào một ngôi nhà đang cháy và quyết định rút lui trước khi căn nhà sụp đổ. Klein phân tích rằng linh cảm này là hồi ức tiềm thức, liên quan đến trải nghiệm trước đó dù có thể anh không nhớ ra, từ đó giúp anh nhận ra sự nguy hiểm và đưa ra lựa chọn đúng đắn một cách nhanh chóng.

Vì vậy, nếu bạn dành thời gian suy ngẫm về những trải nghiệm trong quá khứ, bạn không chỉ đơn thuần đang hồi tưởng lại để rút ra bài học cho riêng mình, mà còn khám phá những quy luật ẩn sâu bên trong trải nghiệm đó. Việc nhận diện và thấu hiểu những quy luật này là chìa khóa để phát triển trực giác nhạy bén. Khi chúng ta càng hiểu rõ cách nó chi phối cuộc sống, trực giác của chúng ta càng trở nên chính xác và đáng tin cậy hơn.

cô gái dùng trực giác suy ngẫm về quá khứ cô gái dùng trực giác suy ngẫm về quá khứ

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass


Xem thêm

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn là một người lãnh đạo giỏi

• 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

• 8 dấu hiệu bạn có tính cách mạnh mẽ khiến người khác tôn trọng


Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện

Để đưa ra những quyết định sáng suốt, chúng ta cần có cái nhìn bao quát và sâu sắc về mọi khía cạnh của vấn đề. Bạn có thể thực hành bằng cách đặt bản thân vào vị trí của người khác và lắng nghe các quan điểm khác nhau của họ. Điều này không chỉ giúp bạn gia tăng khả năng đồng cảm, mà còn cho bạn nhiều góc nhìn mới mẻ hơn và mở rộng thế giới quan của mình. 

cô gái ngồi bên bờ hồ suy ngẫmcô gái ngồi bên bờ hồ suy ngẫm

Ảnh: Unsplash/Nikolay Dimitrov

Khi bạn có cái nhìn toàn diện về một điều gì đó, trực giác của bạn có thể trở nên chính xác hơn bởi các thông tin đa chiều có sẽ giúp bạn nhận diện mẫu hình và xu hướng, từ đó đưa ra những phản ứng nhanh chóng và hợp lý trong các quyết định quan trọng. Bên cạnh đó, bằng cách kết hợp giữa suy luận logic, kinh nghiệm thực tế và trực giác, chúng ta có thể tối ưu hóa cách giải quyết vấn đề, giảm thiểu rủi ro và dễ dàng đạt được mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp. 

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Huyền

Nguồn: Psychology Today





Nguồn: Tập thể thao